Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Bệnh tiểu đường ở người cao tuổi

Bệnh Tiểu đường ở người cao tuổi là căn bệnh ngày càng phổ biến và các biến chứng của tiểu đường, nhất là các biến chứng tim mạch, là những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở những người này. Do những thay đổi đặc biệt về sinh lý và bệnh lý của người cao tuổi (trên 65 tuổi) nên người ta phải có những nghiên cứu riêng về bệnh tiểu đường ở lứa tuổi này.




Bệnh Tiểu đường ở người cao tuổi

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường cũng như rối loạn dung nạp glucose như tuổi, giới, chủng tộc, quốc gia, tình trạng kinh tế xã hội, lối sống và béo phì… trong đó tuổi là 1 yếu tố rất quan trọng.

Các nguyên nhân làm tăng tỉ lệ mắc đái tháo đường ở những người cao tuổi là những thay đổi về chuyển hóa glucose, do rối loạn tiết insulin và kháng insulin tăng lên theo tuổi, do người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc có ảnh hưởng đến đường máu, do lối sống tĩnh tại ít hoạt động và do họ thường có béo phì hoặc thừa cân.

Phần lớn người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường là typ 2. Một người được chẩn đoán đái tháo đường ở tuổi 65 sẽ làm giảm tuổi thọ từ 4-5 năm và có thể tử vong đột ngột gấp 4,5 lần so với người không mắc bệnh đái tháo đường.

Phòng bệnh tiểu đường ở người cao tuổi


Đái tháo đường là một bệnh có vẻ không có gì trầm trọng thế nhưng các biến chứng của nó lại hết sức trầm trọng. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện được sớm các biến chứng để đảm bảo cuộc sống bằng việc thực hiện các nguyên tắc như: thường xuyên, liên tục và kiên trì theo dõi đường huyết, bảo đảm thực hiện đúng chế độ ăn uống, năng tập luyện thể dục thể thao để duy trì cân nặng lý tưởng, cần thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm những biến chứng. Tuyệt đối không hút thuốc lá và uống rượu, ngoài ra cần phải chú ý chăm sóc bàn chân.

Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường thì trước hết cần quan tâm chăm sóc sức khoẻ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời là phương pháp vô cùng quan trọng. Trong một số trường hợp ở giai đoạn tiền đái tháo đường có thể ngăn ngừa được diễn tiến của bệnh trước khi chuyển sang bệnh đái tháo đường tuýp 2 bằng cách thay đổi lối sống như thực hiện tốt việc giảm cân bằng luyện tập thể dục thường xuyên kết hợp chế độ ăn với khẩu phần ăn phù hợp có như thế sẽ giúp chúng ta giảm được 58% nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và luyện tập thể dục đều đặn không phải dễ dàng thực hiện đối với một số người. Do đó cần có sự nỗ lực rất lớn ở bản thân của mỗi người.

Ngoài ra, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh đái tháo đường sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh và từ đó góp phần làm giảm các biến chứng nguy hiểm nhất là biến chứng về tim mạch, đây là biến chứng có tỉ lệ gây tử vong cao nhất ở người bệnh đái tháo đường. Ở người bệnh đái tháo đường nếu được điều trị sớm sẽ khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét