Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Khi nào nên phẫu thuật các tật khúc xạ về mắt?

Tật khúc xạ chủ yếu là cận thị chiếm tỷ lệ cao tại các trường học. Phẫu thuật mắt để lấy lại thị lực là điều rất nhiều người quan tâm.


Theo kết quả khảo sát của ngành nhãn khoa, ở nước ta có gần 30% học sinh bị tật khúc xạ về mắt. Theo đó, cứ 3 – 4 em học sinh có 1 em bị tật khúc xạ, chủ yếu là cận thị. Tại các trường chuyên, lớp chọn, tỷ lệ trẻ em bị các tật khúc xa còn cao hơn. Tình trạng này lâu nay vẫn được đề cập tới nhưng dường như chưa cải thiện được, thậm chí số học sinh bị cận thị còn tăng ở độ tuổi sớm hơn, nhất là ở bậc tiểu học.

Tại một lớp học trên địa bàn Hà Nội, trong số 44 học sinh đã có 18 em bị cận thị phải đeo kính. Đây cũng là tình trạng phổ biến ở các lớp thuộc trường tiểu học tại thành phố. Thậm chí ngay từ lớp 1 cũng đã có không ít học sinh phải mang kính.


Ngoài yếu tố di truyền, nguyên nhân chính được xác định là do trẻ sử dụng mắt quá mức và nhìn quá gần. Phần lớn trẻ đều cúi sát xuống vở, ngồi với tư thế sai nếu không được nhắc nhở thường xuyên, kịp thời, lâu dần sẽ thành thói quen khó sửa, ảnh hưởng đến thị lực của mắt.



‘ Tỷ lệ trẻ cận thị tại các trường học đang ngày càng tăng cao. (Ảnh minh họa)

Sau giờ học, cần để mắt nghỉ ngơi thì nhiều trẻ lại say mê với các hình thức giải trí như xem tivi, máy tính hay điện thoại… khiến mắt phải điều tiết quá mức, dẫn đến các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị. Trong khi đó, nhiều em lại không được phát hiện kịp thời. Ngay cả với những học sinh đã mang kính nhưng không được thay mắt kính theo diễn biến của thị lực cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt.

Theo các chuyên gia, để phòng tránh tật khúc xạ, ngoài việc tăng cường ánh sáng trong lớp học, giảm cường độ sử dụng mắt quá mức thì vấn đề dinh dưỡng cũng cần được quan tâm.

Thực tế, nếu tật khúc xạ không được cải thiện thì cần nhờ đến phương pháp phẫu thuật, nhất là với những học sinh bị cận nặng, phải mang đôi mắt kính quá dày. Ngoài phương pháp truyền thống là mổ lasik thì hiện nay ở nước ta đã có một số bệnh viện triển khai kỹ thuật Femto lasik - một công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới trong phẫu thuật điều trị tật khúc xạ.




Để tìm hiểu thêm về những biểu hiện cũng như cách phòng chống các tật khúc xạ của mắt ở trẻ và các dấu hiện cận thị, chương trình Sức khỏe là vàng đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng – GĐ bệnh viện Mắt quốc tế - DND, Hà Nội.


PV: Xin bác sĩ có thể cho các bậc phụ huynh được biết biểu hiện của các tật khúc xạ ở trẻ?

Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng: Dấu hiệu cận thị hoặc các tật khúc xạ khác sẽ biểu hiện ở các lứa tuổi khác nhau, đối với lứa tuổi nhỏ thường có những biểu hiện khác với lứa tuổi lớn hơn. Tuy nhiên, các biểu hiện cũng gần tương đồng nhau, đối với cận thị, các em có xu hướng để mắt gần sát với sách vở để đọc. Đối với các em viễn thị, loạn thị thường nhìn gần cũng không rõ, nhìn xa cũng không rõ.


Khi bị các tật khúc xạ, thường dẫn đến trường hợp các cháu viết chữ sai hàng, làm việc hay hoạt động không có sự chính xác cao. Cha mẹ chỉ cần để ý đến những hoạt động của trẻ thì sẽ dễ phát hiện ra cháu có các tật khúc xạ về mắt hay không.

PV: Hiện tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ mà cụ thể là cận thị là khá cao. Việc không phát hiện kịp thời sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị lực của trẻ?

Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng: Trong các tật khúc xạ có loạn thị, viễn thị và cận thị, trong đó có loạn thị và viễn thị nếu không phát hiện kịp thời, nhất là những cháu có tật khúc xạ một mắt và một mắt bình thường thì dễ dẫn tới hiện tượng mắt bị nhược thị.

Ở lứa tuổi từ 12 – 14 tuổi, trẻ không được phát hiện ra thì khả năng phục hồi khó và khả năng mất đi thị lực vĩnh viễn là rất lớn.


PV: Rất nhiều phụ huynh có con bị cận thị quan tâm đến việc phẫu thuật mắt nhưng vẫn còn băn khoăn không biết nên mổ mắt vào thời điểm nào, nếu mổ thì liệu có biến chứng gì không, có bị cận lại không. Xin bác sĩ giải đáp giúp những băn khoăn này?

Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng: Phẫu thuật mắt đã trở nên phổ biến ở nước ta, ngay từ những ngày đầu từ những năm 2000, phẫu thuật lasik đã được áp dụng ở TP.HCM và Hà Nội. Sau 12 năm, phẫu thuật lasik đã khá phổ biến và đạt được rất nhiều thành công trong điều trị cho tất cả tật khúc xạ như cận, viễn và loạn thị ở độ cao.

Nếu phẫu thuật, đương nhiên sẽ có những biến chứng, những biến chứng đó sẽ tùy thuộc theo kinh nghiệm của bác sĩ, về máy móc hay nhận thức của người bệnh sau quá trình phẫu thuật. Nếu với những bác sĩ đã có kinh nghiệm nhiều, tư vấn tốt người mổ sẽ có được sự kiểm soát tốt đối với các biến chứng và gần như an toàn tuyệt đối.

Mặc dù có những biến chứng, nhưng sau những kinh nghiệm của nhiều năm tham gia phẫu thuật tôi thấy phẫu thuật lasik vẫn là phẫu thuật khá an toàn.

PV: Vậy với những cháu nhỏ ở độ tuổi bao nhiêu, độ cận bao nhiêu thì nên sử dụng phương pháp phẫu thuật này?

Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng: Với phẫu thuật lasik thường chỉ định với người từ 18 tuổi trở lên để đảm bảo được sự phát triển tương đối của cơ thể. Còn để có thể chỉ định mổ được chi tiết thường phải dựa vào tính ổn định của tật khúc xạ.

Nếu các điều kiện sức khỏe của mắt ổn định trong vòng 2 năm, tức trong mỗi một năm không tăng quá 0.5 diop và kính được dùng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì khi tham gia phẫu thuật có thể tiên lượng được phẫu thuật đảm bảo chính xác và không có tái cận.

Về độ cận, với độ cận từ 15 – 16 diop cận thị là có thể mổ được, độ loạn thị cũng ở mức 6 diop là mổ được.

PV: Xin bác sĩ cho các bậc phụ huynh được biết, các cháu nhỏ bị cận thị và chưa tới 18 tuổi, chưa đủ điều kiện phẫu thuật thì trong thời gian đó cần làm gì để đảm bảo tính ổn định cho mắt. Các cháu cần chuẩn bị những điều kiện gì để làm hành trang cho cháu có thể phẫu thuật được khi đủ điều kiện?

Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng: Theo tôi, cháu nhỏ nếu mắc các tật khúc xạ thì gia đình nên quan tâm ngay từ đầu cho tới khi cháu 18 tuổi. Nếu muốn cháu có đôi mắt tốt các bậc cha mẹ cần:

- Khám định kỳ ít nhất từ 1-2 lần/ năm.

- Đeo kính đúng số.

- Cần có sự chăm sóc, đảm bảo về chế độ ăn, dinh dưỡng.

- Chế độ học tập và nghỉ ngơi cho mắt một cách hợp lý.

Khi trẻ tới 18 tuổi, quyết định sử dụng kính, kính áp tròng hay phẫu thuật là do quyết định của gia đình, tùy mọi người mong muốn. Trước đây, phẫu thuật lasik không đông bệnh nhân, tuy nhiên sau 12 năm phần lớn mọi người cũng đã rất hiểu và thấy rằng biến chứng của phẫu thuật lasik có thể kiểm soát được và kiểm soát được ở Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông về những thông tin trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét