Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt nội soi niệu đạo

Đây là phẫu thuật điều trị phì đại tuyến tiền liệt ở những bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt đã gây tắc nghẽn đường tiểu hoặc ở những bệnh nhân điều trị nội khoa không hiệu quả. 


Phẫu thuật có thể thực hiện với gây tê tủy sống (bệnh nhân tỉnh trong suốt quá trình phẫu thuật) hoặc với gây mê (bệnh nhân ngủ trong quá trình phẫu thuật) tùy theo lựa chọn của bệnh nhân hoặc theo quyết định của bác sĩ gây mê.
Khi mổ, một ống soi được đưa vào niệu đạo dương vật. Phẫu thuật viên sẽ dùng tia laser để bóc tuyến tiền liệt phì đại ra khỏi vỏ bọc của tuyến tiền liệt, sau đó cắt nhỏ và bóc hơi phần mô phì đại để lấy ra ngoài. Trong trường hợp bướu lớn trên 80 gram, phẫu thuật viên phải rạch một đường nhỏ (ngay trên xương mu) để lấy phần mô phì đại ra ngoài. Thời gian phẫu thuật kéo dài từ 60 – 120 phút (tùy khối lượng của khối phì đại)
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ mang 1 ống thông ở niệu đạo. Ống thông sẽ được rút ra khi nước tiểu trong không còn máu. Thông thường, bệnh nhân sẽ nằm lại bệnh viện 2 – 3 ngày sau phẫu thuật.

Hướng dẫn trước phẫu thuật Phì đại tuyến tiền liệt.

Khám gây mê trước phẫu thuật

Trước phẫu thuật, bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ chuyên khoa gây mê để đánh giá tình trạng của bệnh nhân có đủ sức khỏe thực hiện phẫu thuật hay không. Đồng thời bác sĩ gây mê sẽ khám và quyết định gây mê hay gây tê trong lúc mổ.
Khi cần thiết, bệnh nhân sẽ được khám thêm với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, phổi, tiểu đường, nội thần kinh… để đánh giá các bệnh lý mạn tính có sẵn của bệnh nhân. Khi tất cả các bệnh lý này đều ổn định thì phẫu thuật mới được tiến hành.
Trong quá trình chờ mổ, xin thông báo cho bác sĩ ngay
Nếu bệnh nhân bị cảm, sốt, tiểu đau buốt, tiêu chảy, viêm đường hô hấp trên… Trong những trường hợp này, phẫu thuật sẽ được hoãn lại chờ đến khi bệnh nhân khỏi hẳn các bệnh này.

Hướng dẫn sử dụng một số thuốc trước mổ

Bác sĩ chuyên khoa gây mê sẽ hướng dẫn thật cụ thể cho bệnh nhân những loại thuốc nào phải ngưng sử dụng trước phẫu thuật. Dưới đây là một số thông tin khái quát:
Trong thời gian 1 tuần trước phẫu thuật:
Ngưng hoàn toàn tất cả các thuốc Aspirin hoặc các loại thuốc có chứa aspirin (các thuốc điều trị cảm cúm, một số thuốc giảm đau nhức).
Trong vòng 2 ngày trước phẫu thuật:
Ngưng tất cả các thuốc kháng viêm, giảm đau có thành phần: etodolac, fenoprofen, ibuprofen, ketorolac, maproxen, meclofenarnate, mefenamic acid, naproxen.

Trước khi phẫu thuật 1 ngày:

Làm sạch đường ruột bằng thuốc FORTRANS.
Ăn tối lúc 18 giờ. Sau đó pha 02 gói thuốc trong 1,5 lít nước và uống hết (thuốc có tác dụng nhuận trường để rửa sạch phân trong ruột già).
Từ 12 giờ đêm bệnh nhân không được ăn và uống cho đến buổi sáng ngày phẫu thuật.
Buổi sáng trước khi phẫu thuật:
Không sử dụng các thuốc trợ tim nhóm digitalis (Crystodigin, Digoxin, Lanoxin).
Không sử dụng các thuốc điều trị tiểu đường nhóm chlorpropamide, glyburide, glypizide, tolazamide, tolbutamide.
Đối với những bệnh nhân đang dùng INSULIN, chỉ chích ½ (một nửa) liều Insulin thường dùng mà thôi. Không chích hết cả liều như mọi ngày
Các thuốc điều trị cao huyết áp, điều trị hen suyễn dùng hàng ngày vẫn phải uống nếu không có chỉ định đặc biệt của bác sĩ gây mê (uống với thật ít nước.

Hướng dẫn việc ăn – uống trước phẫu thuật

Trong vòng 8 giờ trước phẫu thuật:
Không ăn các loại thức ăn đặc hoặc lỏng; không uống nước trái cây, không uống sữa, không ngậm kẹo. Nếu bệnh nhân quá khát, có thể uống 1 – 2 muỗng nhỏ nước nấu chín để nguội.
Trong vòng 6 giờ trước mổ:
Tuyệt đối không uống nước. Chỉ uống những thuốc hạ áp, hen suyễn mà bệnh nhân vẫn sử dụng hàng ngày (uống với thật ít nước)

Mục tiêu của việc nhịn ăn – uống trước mổ là để tránh hiện tượng các chất dịch trong dạ dày có thể tràn vào phổi khi bệnh nhân ói mửa (thường xảy ra khi bệnh nhân được gây mê hoặc gây tê). Nếu các chất dịch từ dạ dày tràn vào phổi sẽ gây viêm phổi, kéo dài thời gian nằm viện của bệnh nhân; đồng thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Do đó bệnh nhân phải tuyệt đối nghiêm túc tuân thủ các quy định này.
Hướng dẫn làm vệ sinh cơ thể trước phẫu thuật
Vào buổi tổi trước ngày phẫu thuật và buổi sáng trước ngày phẫu thuật, bệnh nhân phải tắm với xà bông tiệt trùng để làm sạch cơ thể, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng trong lúc phẫu thuật.

Vào ngày phẫu thuật

Không mang theo bất cứ tư trang nào (nhẫn, đồng hồ…).
Nên thông báo cho điều dưỡng biết trước nếu bệnh nhân có đeo kính sát tròng, dụng cụ trợ thính.
Không trang điểm. Không sơn móng tay

Thời điểm phải đến bệnh viện
Bệnh nhân nên kiểm tra lại với điều dưỡng hoặc thư ký y khoa thời điểm chính xác cần có mặt tại bệnh viện, địa điểm phải có mặt trước mổ.

Các nguy cơ của phẫu thuật

Các nguy cơ nói chung của bất cứ loại phẫu thuật nào gồm: chảy máu sau mổ, nhiễm trùng sau mổ, truyền máu (nếu mất máu nặng), huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch não. Ngoài ra một số nguy cơ riêng của gây mê/gây tê gồm: gãy răng, tổn thương thanh – khí quản, viêm phổi hít, nhức đầu do tê tủy sống, tổn thương thần kinh do tư thế lúc mổ, sốt cao ác tính sau mổ (các thông tin này sẽ được bác sĩ gây mê cung cấp cụ thể khi gặp bệnh nhân)
Nguy cơ riêng của phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt nội soi niệu đạo gồm: tổn thương bàng quang, lổ niệu quản; nhiễm trùng niệu, tiểu không kiểm soát, tiểu máu, máu cục nghẹt trong bàng quang; xuất tinh ngược dòng, rối loạn cương; tiểu khó, tiểu gấp; hẹp cổ bàng quang (thông tin chi tiết sẽ được bác sĩ phẫu thuật cung cấp trước mổ).

Hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật

Nằm nghỉ tại giường. Bệnh nhân có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn sau khi phẫu thuật
6 giờ sau mổ có thể ăn cháo.
Uống thật nhiều nước. Không uống trà, cà phê, nước có gas, thức uống có chất cồn.
Bàng quang sẽ được tưới rửa liên tục trong 24 – 36 giờ sau mổ đến khi nước rửa trong, không còn máu.
Ống thông tiểu sẽ rút 36 – 48 giờ sau mổ. Sau rút thông, bệnh nhân có cảm giác đau buốt khi tiểu. Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể có máu trong nước tiểu. Tình trạng này sẽ hết trong 2 - 4 ngày.
Bệnh nhân có thể tập thể dục bình thường và làm mọi công việc hàng ngày. Kiêng không giao hợp trong 2 tuần.
Nếu có nhiều máu trong nước tiểu, đau buốt kéo dài khi tiểu hoặc tiểu khó khăn, nên liên hệ với phẫu thuật viên để khám lại.
Sau xuất viện, bệnh nhân được cho toa thuốc sử dụng trong 7 – 14 ngày. Sau đó bệnh nhân sẽ tái khám với bác sĩ để có hướng theo dõi tiếp.

1 nhận xét: