Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Cách bảo vệ đôi mắt cho trẻ

“Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” nhưng đôi lúc đôi mắt lại không được quan tâm và bảo vệ đúng mức, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Theo các nhà chuyên môn, trong 100 trường hợp cận thị thì chỉ khoảng 30%-35% cận thị bệnh lý do di truyền (có yếu tố gia đình), còn 65%-70% cận thị là do mắc phải.


 Để bảo vệ và phòng ngừa bệnh về mắt cho trẻ thì người lớn như cha mẹ, thầy cô… cần chú ý đến những nguyên nhân và có những biện pháp phòng ngừa hợp lý, để bảo vệ đôi mắt cho trẻ tránh các bệnh về mắt và trẻ có thể vui chơi, học tập thoải mái, an toàn.
Một số nguyên nhân gây ra bệnh về mắt

Có nhiều nguyên nhân gây cận thị mắc phải ở học sinh như: điều kiện học tập (ánh sáng, bàn ghế, bảng…) tại trường, tại nhà chưa đúng tiêu chuẩn, chế độ học tập và sinh hoạt (đọc sách, truyện, chơi game xem ti vi…) không hợp lý.

Các nhà chuyên môn cho biết các bệnh về mắt ở tuổi học đường có xu hướng gia tăng do các nguyên nhân: chế độ học tập quá tải trong khi thời gian nghỉ ngơi vui chơi lại bị thu hẹp; cường độ làm việc của mắt lại nhiều lên do các em đọc nhiều sách báo, xem tivi, chơi game, sử dụng máy tính nhiều…

Vấn đề ánh sáng tại các lớp học cũng đáng lo ngại. Theo số liệu của Bộ Y tế khi kiểm tra 500 mẫu chiếu sáng tại các trường học, cho thấy có 11% mẫu thấp dưới mức quy định.

Một trong những nguyên nhân đáng lo ngại nhất lại xuất phát từ nhận thức chưa đúng mức của các phụ huynh trong việc chăm sóc và hướng dẫn tốt cách bảo vệ mắt cho trẻ, phòng ngừa cận thị.



Một số biện pháp hữu hiệu bảo vệ đôi mắt cho trẻ

1. Giảm mọi căng thẳng của mắt: Không thức quá khuya để đọc sách – nhất là học sinh cấp I và những em có thị lực kém. Hạn chế thời gian xem tivi, chơi game, sử dụng máy tính… và phải ngủ đủ giấc. Không đọc sách truyện có chữ hoặc hình ảnh lem nhem, chữ quá nhỏ.

2. Cải tiến các phương tiện phục vụ học tập: kích cỡ bàn ghế phải phù hợp với từng lứa tuổi, đảm bảo đủ ánh sáng, sách vở học tập phải được in rõ ràng và sáng sủa, dễ đọc.

3. Chế độ nghỉ ngơi mắt hợp lý: Khi học ở nhà, nên cho trẻ nghỉ giải lao 5-10 phút sau mỗi giờ học. Không xem tivi quá 45-60 phút, không nên ngồi quá gần hay quá xa màn hình. Hạn chế chơi game trên máy tính hoặc trên tivi, việc này không chỉ tốt cho mắt mà còn giúp trẻ dành nhiều thời gian cho việc học. Có thể luyện cho trẻ nhìn vào một điểm ở xa để giúp mắt thư giãn.

4. Ngồi học phải giữ đúng tư thế: Nên cho trẻ ngồi thẳng lưng, 2 chân khép lại với 2 bàn chân để sát nền nhà, đầu hơi cúi khoảng 10 – 15 độ. Không được cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học. Luôn để mắt xa sách vở với một khoảng cách thích hợp: khoảng cách đo từ chỗ đầu ngón cái (hoặc ngón trỏ cong lại) đến cùi chỏ ở HS cấp THPT là 35 cm, tương ứng 30cm, 25cm ở HS cấp THCS và cấp tiểu học.

5. Khám mắt định kỳ: Nên cho trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở chuyên khoa hoặc khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau: nhìn xa không rõ, thấy chữ viết hoặc hình vẽ trên bảng mờ mờ, hay quay hoặc nghiêng đầu, nheo mắt, che một mắt để nhìn, cúi đầu sát xuống cuốn sách hay bàn học khi đọc hoặc viết, chớp hay dụi mắt một cách không bình thường.



6. Chú ý bổ sung các dưỡng chất hỗ trợ cho mắt: Nên cho trẻ ăn nhiều rau quả có màu vàng, lá xanh đậm để bổ sung các vitamin cần thiết cho mắt luôn hoạt động tốt. Ngoài ra, các thuốc bổ mắt cũng chứa các vitamin này và nhiều dưỡng chất khác, chẳng hạn chất chondroitin được chiết suất từ sụn vi cá mập thiên nhiên rất tốt cho mắt.

7. Phát hiện sớm tật khúc xạ và tuyên truyền phòng chống tật khúc xạ học đường là việc làm cần thiết để góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng học tập cũng như sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục sức khỏe và bảo vệ đôi mắt cho các em tuổi học đường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét