Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến

Loại trừ các trường hợp bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn tiết niệu; đang điều trị rối loạn đông máu hoặc sử dụng các thuốc chống đông máu; bệnh nhân có tình trạng bệnh lý không thể đặt được máy soi niệu quản: dị tật đường tiết niệu, hẹp niệu đạo, u xơ tiền liệt tuyến, cột sống gù cong vẹo, các khối u trong ổ bụng chèn ép niệu quản…

Sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý về tiết niệu, trong đó sỏi niệu quản chiếm 20-40%. Sỏi niệu quản thường từ thận rơi xuống, ít khi sỏi được sinh ra tại chỗ do niệu quản bị chít hẹp, dị dạng.


Sỏi niệu quản gây bế tắc nhiều nhất, làm người bệnh đau đớn, nhanh chóng làm suy giảm chức năng thận, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nặng nề. Hiện nay việc điều trị sỏi tiết niệu nói chung và sỏi niệu quản nói riêng đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, phương pháp phẫu thuật mở kinh điển giảm dần đi, thay vào đó là các biện pháp can thiệp ít xâm hại như: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi ngoài da, tán sỏi nội soi ngược dòng hoặc xuôi dòng và phẫu thuật nội soi lấy sỏi.

Tại Bệnh viện quân y 110, tán sỏi nội soi ngượi dòng được áp dụng từ năm 2008. Đây là phương pháp ít sang chấn với những ưu điểm như: tỷ lệ sạch sỏi cao, rất ít đau sau mổ, chăm sóc hậu phẫu nhẹ nhàng, bệnh nhân sớm hồi phục ra viện và hạn chế tối đa tổn thương niệu quản, nhờ đó tránh được nguy cơ sỏi tái phát. Ban đầu đơn vị thực hiện tán sỏi niệu quản đoạn xa, khi kỹ thuật thành thạo mới chỉ định với sỏi niệu quản đoạn gần và cả những trường hợp sỏi bể thận đơn giản.

Đề tài “Đánh giá kết quả điều trị sỏi niệu quản bằng nội soi ngược dòng với nguồn tán xung hơi tại Bệnh viện quân y 110” do các bác sỹ, cộng sự: Nguyễn Hoàng Hiệp, Diêm Đăng Thanh, Nguyễn Hồng Sửu, Phạm Văn Nam, Nguyễn Hồng Việt cùng tiến hành nghiên cứu 1068 bệnh nhân sỏi niệu quản được áp dụng phương pháp này từ tháng 10 năm 2008 đến tháng 8 năm 2014, sử dụng máy tán với nguồn xung hơi sỏi của hãng KarlStorz, ống soi cứng 9.5 Fr. Tuổi trung bình bệnh nhân là 42,3 tuổi, nhỏ nhất 15 tuổi, lớn nhất 78 tuổi, nam chiếm 43,7%, nữ 56,3%. Tiêu chuẩn sỏi niệu quản ở các vị trí, gồm sỏi niệu quản gần với 276 bệnh nhân, sỏi niệu quản đoạn xa 792 bệnh nhân, số lượng 1 hoặc nhiều viên sỏi, kích thước từ 5-20 mm.
Các bác sỹ tiến hành tán sỏi bằng kỹ thuật gây tê tủy sống, bệnh nhân được đặt nằm ở tư thế sản khoa, thực hiện lần lượt qua 4 bước: Soi kiểm tra bàng quang, xác định 2 lỗ niệu quản, xác định đường đi và vị trí sỏi trên phim chụp X quang; Luồn dây dẫn vào đường niệu quản; Đặt máy soi niệu quản, tiếp cận sỏi; Tán sỏi với nguồn tán xung hơi, những trường hợp sỏi dễ di chuyển sẽ cố định sỏi bằng rọ Dormia trước khi tán sỏi. Lấy những mảnh sỏi vỡ, đưa ống soi vượt qua sỏi để kiểm tra. Đặt dây dẫn đường lên bể thận, đặt sonde double J.

Trong quá trình tán sỏi, một số trường hợp có tổn thương thành niệu quản với mức độ khác nhau, tổn thương nhẹ như rách niêm mạc nông, tổn thương nặng là thủng niệu quản (các trường hợp này chỉ cần xử lý đặt double J mà không cần phẫu thuật. Kinh nghiệm cho thấy tất cả tất cả những trường hợp tổn thương niệu quản trong khi tán và lấy sỏi đều do sỏi to, rắn, sỏi khảm chặt vào niêm mạc niệu quản làm cho thời gian tán sỏi kéo dài, đầu que tán làm tổn thương niệu quản, hoặc khi rọ sỏi kéo ra ngoài làm chầy xước niêm mạc.

Tổng hợp kết quả cho thấy, trong số 1068 bệnh nhân được điều trị, có 12 trường hợp tán sỏi ngoài cơ thể không thành công, sỏi đọng thành chuỗi ở niệu quản, trong đó niệu quản gần 8 bệnh nhân, niệu quản xa 4 người; 28 bệnh nhân được mổ mở sỏi niệu quản cùng bên, hiện tại sỏi tái phát.

Nhờ những tiến bộ của kỹ thuật và các dụng cụ tán sỏi, phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng có những bước tiến bộ quan trọng và ngày càng được chỉ định rộng rãi để điều trị sỏi niệu quản. Qua nghiên cứu 1068 bệnh nhân được tán sỏi nội soi ngược dòng với nguồn tán xung hơi tại Bệnh viện quân y 110, với ống soi cứng 9,5Fr cho kết quả sạch sỏi cao 93,9%. Thời gian phẫu thuật trung bình với niệu quản đoạn gần là 55,2 phút, với niệu quản xa 52,5 phút, tỷ lệ tai biến, biến chứng thấp và thời gian nằm viện ngắn, trung bình sau mổ từ 2-3 ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét